Các gói cứu trợ kinh tế trị giá gần 10 nghìn tỷ USD trên toàn cầu trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 sẽ có tác động đáng chú ý đến giá cả hàng hóa và dịch vụ, có thể hỗ trợ cho giá vàng tăng lên mức 2.000 USD/ounce…
Nhật Bản, trong tuần này cũng đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia tại 7 vùng và chấp thuận gói cứu trợ trị giá 1 nghìn tỷ USD – tương đương 20% tổng GDP của nước này. Tháng trước, Evercore ISI cũng đã dự đoán rằng ít nhất 10 nghìn tỷ USD trên thế giới sẽ được sử dụng để giảm thiểu tác động kinh tế của loại virus này.
Ngay lúc này, nền kinh tế Mỹ đang tràn ngập tiền mặt và thanh khoản. So với cùng kỳ năm trước, cung tiền M2, bao gồm tiền, tiền gửi tiết kiệm và các tài sản tương đương tiền khác, đã tăng khoảng 12%, nhiều nhất trong hơn 10 năm qua.
Trong quá khứ, tất cả thanh khoản dư thừa này đóng vai trò như “một phép màu” cho giá vàng. Tồn tại một mối tương quan rõ ràng giữa tốc độ tăng trưởng hàng năm trong cung tiền M2 và giá của kim loại này. Năm 2011, vàng đã chạm mức cao nhất mọi thời đại là 1.900 USD/ounce khi tăng trưởng cung tiền M2 tăng vọt trên 10% so với cùng kỳ năm 2010. Với tỷ lệ tăng trưởng nguồn cung hiện tại ở mức 12% và có khả năng sẽ cao hơn nữa thì giá vàng được dự đoán sẽ tăng theo sau đó.
Với tình trạng hiện nay, các chính sách kích thích tài khóa trị giá hàng nghìn tỷ USD để chống lại tác động kinh tế của Covid-19 có thể dẫn đến lạm phát – điều mà có thể hỗ trợ giá vàng trong dài hạn. Ngoài ra, nhiều dự đoán cho rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ và Ngân hàng Trung ương châu Âu sẽ giữ lãi suất ở mức cực thấp cho đến ít nhất là quý 3 năm 2021. Điều này sẽ giữ cho chi phí cơ hội nắm giữ vàng (tài sản không sinh lãi) ở mức thấp.
Theo một báo cáo của Hội đồng vàng thế giới (WGC), các quỹ đầu tư trao đổi toàn cầu (ETFs) được hỗ trợ bởi vàng đã lập kỷ lục mới mọi thời đại trong quý đầu tiên của năm 2020, thu hút thêm 298 tấn – tương đương 23 tỷ USD, đạt tổng cộng hơn 164 tỷ USD. Đó là mức cao nhất từ trước đến nay tính theo USD trong một quý và nhiều nhất về trọng lượng kể từ quý đầu tiên của năm 2016.
Hôm 6/4, vàng lại một lần nữa giao dịch trên mức 1.700 USD/ounce. “Giá vàng vẫn có thể tăng cao hơn ít nhất 20% so với mức hiện tại bởi ngày càng có nhiều các gói kích thích tài chính và tiền tệ được tung ra trên toàn cầu”, theo Nitesh Shah, giám đốc nghiên cứu hàng hóa tại WisdomTree. Nhận xét của Shah được đưa ra khi giá vàng giao ngay chủ yếu giao dịch trong khoảng từ 1.550 đến 1.650 USD/ounce trong hai tuần qua.
“Tôi nghĩ mức giá 2.000 USD/ounce không phải là quá xa vời. Chúng ta đã thấy một loạt các biện pháp kích thích kinh tế táo bạo nhất từ trước đến nay. Sự mở rộng bảng cân đối của các ngân hàng trung ương và áp lực lạm phát sẽ mang lại là vô cùng lớn, và đó thường là cơ hội để vàng tăng giá”, ông Shah nhận định.
Một yếu tố khác mà các nhà phân tích hàng hóa đang rất chú ý là nguồn cung vàng. Một phần đáng kể trong hoạt động sản xuất vàng trên toàn cầu đã phải tạm ngừng vào tháng trước khi các chính phủ yêu cầu đóng cửa tất cả các doanh nghiệp không thiết yếu trong nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của Covid-19. Nguồn cung giảm được cho là sẽ tiếp tục hỗ trợ giá vàng.
Mặc dù tâm lý tăng giá vẫn mạnh mẽ trên thị trường vàng, nhưng trong ngắn hạn, giới phân tích vẫn đưa ra nhiều cảnh báo cho các nhà đầu tư rằng quý II này vẫn có thể gây khó khăn cho kim loại vàng. Trong một báo cáo được công bố hôm 7/3, Bernard Dahdah, nhà phân tích kim loại quý tại Natixis, dự đoán rằng thị trường chứng khoán Mỹ sẽ lao dốc thêm 15% trong khoảng thời gian từ nay cho đến tháng 6. Do đó có thể xảy ra tình trạng thanh lý bắt buộc trên thị trường vàng nhằm đáp ứng các cuộc gọi ký quỹ.
Tuy nhiên, bỏ qua những biến động ngắn hạn, Dahdah nói rằng ông dự đoán trung bình giá vàng sẽ ở mức 1.850 USD/ounce trong quý III; 1.790 USD/ounce cho cả năm 2020, và 1.823 USD/ounce vào năm 2021.
Tham khảo: Forbes, Kitco