Wednesday, April 24, 2024
spot_img
HomeLý Thuyết DowLÝ THUYẾT DOW - CÁC NGUYÊN LÝ CƠ BẢN

LÝ THUYẾT DOW – CÁC NGUYÊN LÝ CƠ BẢN

Giá cả phản ánh mọi thứ trên thị trường

Tiền đề cơ bản đầu tiên của lý thuyết Dow cho thấy tất cả thông tin – từ quá khứ, hiện tại, thậm chí là tương lai – đều gây ảnh hưởng tới thị trường, được phản ánh trong giá của cổ phiếu và chỉ số.

Thông tin mà Dow nói tới đây bao gồm tất cả mọi thứ từ cảm xúc nhà đầu tư cho đến lạm phát, dữ liệu lãi suất… Điều duy nhất bị loại trừ là các thông tin không thể biết trước như động đất, sóng thần hay khủng bố… Tuy nhiên, ngay sau đó những rủi ro của sự kiện này cũng được định giá vào thị trường.

Cần lưu ý, theo Dow, thông tin không giúp nhà giao dịch hoặc chính bản thận thị trường biết được tất cả mọi thứ, mà chỉ dùng để dự đoán các sự kiện sẽ xảy ra trong tương lai. Ngay cả các yếu tố – đã xảy ra, sắp xảy ra và có thể xảy ra – sẽ được định giá vào thị trường. Khi mọi thứ thay đổi, thị trường buộc phải điều chỉnh cùng với giá cả để phản ánh theo những thông tin thay đổi đó. Ý tưởng này cũng từng xuất hiện trong công trình của Eugene Fama ra đời năm 1960, có tên gọi giả thuyết thị trường hiệu quả. Tuy nhiên, lý thuyết Dow khác biệt ở chỗ nó được sử dụng để dự đoán xu hướng trong tương lai.

Không những vậy, thị trường phản ánh tất cả mọi thứ, thực tế không phải là điều mới mẻ với  nhà giao dịch, vì chúng luôn được sử dụng trong lĩnh vực tài chính. Rất nhiều trader chỉ cần nhìn vào biến động giá, mà không cần nhìn vào các yếu tố khác như chỉ báo chẳng hạn cũng có thể xác định được xu thế thị trường.

Giống như phân tích kỹ thuật chính thống, lý thuyết Dow chủ yếu tập trung vào giá cả. Tuy nhiên, khác ở chỗ lý thuyết Dow liên quan đến biến động toàn bộ thị trường hơn là chỉ thu hẹp trong thị trường chứng khoán.

Ví dụ, người theo lý thuyết Dow sẽ xem xét biến động giá theo các chỉ báo nằm trong xu hướng chính. Một khi họ có ý tưởng về xu hướng trên thị trường, họ sẽ đưa ra quyết định đầu tư. Nếu xu thế chính là xu hướng tăng, thì nhà đầu tư sẽ mua giao dịch cổ phiếu riêng lẻ với mức định giá hợp lý.

Ba xu thế của thị trường

Thuật ngữ thị trường nhằm chỉ giá chứng khoán nói chung, dao động của thị trường tạo thành các xu thế giá, trong đó quan trọng nhất là các xu thế cấp 1 (xu thế chính hay xu thế cơ bản). Đây là những biến động tăng hoặc giảm với quy mô lớn, thường kéo dài trong một hoặc nhiều năm và gây ra sự tăng hay giảm đến 20% giá của các cổ phiếu.

Chuyển động theo xu thế cấp 1 sẽ bị ngắt quãng bởi các bởi sự xen vào của các dao động cấp 2 theo hướng đối nghịch – gọi là những phản ứng hay điều chỉnh của thị trường. Những biến động này xuất hiện khi xu hướng cấp 1 tạm thời vượt quá mức độ hiện tại của bản thân nó (gọi chung các biến động này là các biến động trung gian – biến động cấp 2). Những biến động cấp 2 bao gồm những biến động giá nhỏ hay gọi là những biến động hàng ngày và không có ý nghĩa quan trọng trong Lý thuyết Dow.

Xu thế cấp 1

Như đã nói đến ở phần trước, xu thế cấp 1 là những chuyển động lớn của giá, bao hàm cả thị trường, thường kéo dài hơn 1 năm và có thể là trong vài năm. Nếu như mỗi đợt tăng giá liên tiếp đều đạt đến mức cao hơn mức trước đó và mỗi điều chỉnh cấp 2 đều dừng lại ở mức đáy cao hơn mức đáy của lần điều chỉnh trước thì xu thế cấp 1 lúc này là tăng giá – thị trường lúc này là thị trường con bò tót – thị trường tăng giá (Bull Market) Còn ngược lại nếu mỗi biến động giảm đều làm cho giá xuống những mức thấp hơn còn mỗi điều chỉnh đều không đủ mạnh để làm cho giá tăng lên đến mức đỉnh của những đợt tăng giá trước đó thì xu thế cấp 1 của thị trường lúc này là giảm giá, thị trường được gọi là thị trường con gấu – thị trường giảm giá (Bear Market).

Thông thường, về lý thuyết thì xu thế cấp 1 chỉ là một trong 3 loại xu thế mà một nhà đầu tư dài hạn quan tâm. Mục đích của nhà đầu tư đó là mua chứng khoán càng sớm càng tốt trong một thị trường lên giá, sớm đến mức anh ta có thể chắc chắn rằng mới có duy nhất mình anh ta bắt đầu mua và sau đó nắm giữ đến khi và chỉ khi Bull Market đã thực sự kết thúc và bắt đầu Bear Market. Nhà đầu tư hiểu rằng họ có thể bỏ qua một cách an toàn tất cả những sự xen vào của các điều chỉnh cấp 2 và các dao động nhỏ vì họ đầu tư dài hạn theo xu thế chính của thị trường. Tuy nhiên với một kinh doanh chứng khoán ngắn hạn thì những biến động của xu thế cấp 2 lại có vai trò quan trọng bởi họ kiếm lợi nhuận dựa trên những biến động ngắn hạn của thị trường

Xu thế cấp 2

Xu thế cấp 2 là những điều chỉnh có tác động làm gián đoạn quá trình vận động của giá theo xu thế cấp 1. Chúng là những đợt suy giảm tạm thời (trung gian) hay còn gọi là những điều chỉnh xuất hiện ở các Bull Market; hoặc những đợt tăng giá hay còn gọi là hồi phục xuất hiện ở các Bear Market. Thường thì những biến động trung gian này kéo dài từ 3 tuần đến nhiều tháng. Chúng sẽ kéo ngược lại khoảng 1/3 đến 2/3 mức tăng (hay giảm tùy loại thị trường) của giá theo xu thế cấp 1. Do đó, chẳng hạn trong Bull Market, nếu chỉ số giá bình quân công nghiệp tăng liên tục ổn định hoặc có gián đoạn rất nhỏ và mức tăng đạt đến 30 điểm, khi đó xuất hiện xu thế điều chỉnh cấp 2, thì người ta có thể trông đợi xu thế điều chỉnh này có thể làm giảm từ 10 đến 20 điểm cho đến khi thị trường lặp lại xu thế tăng cấp 1 ban đầu của nó.

Dẫu sao cũng cần lưu ý là qui tắc giảm 1/3 đến 2/3 không phải là một luật lệ không thể phá vỡ mà nó đơn giản chỉ là một nhận xét về khả năng có thể xảy ra mà hầu hết các biến động cấp 2 đều bị giới hạn trong mức này. Rất nhiều trong số đó ngừng tác động ở điểm gần với mức 50% mà rất hiếm khi đạt đến mức 1/3. Như vậy có 2 tiêu chí để nhận định một xu thế cấp 2: Tất cả những chuyển động của giá ngược hướng với xu thế cấp 1 kéo dài ít nhất 3 tuần và kéo hoàn lại ít nhất 1/3 mức biến động thức của xu thế cấp 1 (tính từ điểm kết thúc biến động cấp 2 trước đó đến biến động cấp 2 này, bỏ qua những dao động nhỏ) thì được coi là thuộc loại trung gian hay còn gọi là biến động cấp 2. Mặc dù đã có những tiêu chí để xác định một xu thế cấp 2 nhưng vẫn có những khó khăn trong việc xác định thời điểm hình thành và thời gian tồn tại của xu thế.

Xu thế nhỏ

Đây là những dao động trong thời gian ngắn (dài tối đa 3 tuần, thường chỉ dưới 6 ngày) mà theo như thuyết Dow đã nói đến, bản thân chúng không thực sự có ý nghĩa nhưng chúng góp phần tạo nên các xu thế trung gian. Thông thường thì một biến động trung gian dù là một xu thế cấp 2 hay là một phần của xu thế cấp 1 xen giữa hai xu thế cấp 2 liên tiếp, đều được tạo thành từ một dãy gồm 3 hoặc nhiều hơn những dao động nhỏ khác nhau. Xu thế nhỏ là dạng duy nhất trong 3 loại xu thế có thể bị “lôi kéo” (bị tác động). Để tác động vào xu thế cấp 1 và 2 thì cần những giao dịch với khối lượng rất lớn và điều này hầu như là không thể.

Để làm rõ khái niệm về 3 xu thế của thị trường, ta có thể so sánh với biến động của sóng biển với một số điểm giống nhau như sau:

Xu thế cấp 1 trong giá chứng khoán giống như những đợt thủy triều lên hoặc xuống. Có thể so sánh thị trường lên giá (Bull Market) với thủy triều lên. Thủy triều dâng nước lên bờ biển ngày càng xa vào sâu trong bờ và đến đỉnh của thủy triều thì lại quay ngược trở về biển. Khi thủy triều rút lại được so sánh với thị trường xuống giá (Bear Market). Và cho dù trong lúc thủy triều lên hay xuống thì luôn có những con sóng đập vào bờ rồi lại lùi lại về biển. Khi thủy triều lên mỗi con sóng liên tiếp nhau vào bờ, sóng sau vào sâu hơn sóng trước lại góp phần làm thuỷ triều vào xa hơn trong bờ, nhưng khi thủy triều xuống mỗi con sóng không mang nước ra xa bờ mà nước giảm xuống là do sóng sau vào đến bờ ở mức thấp hơn (tụt lại hơn) so với đỉnh của sóng trước, mỗi con sóng do đó sẽ trả lại dần dần bờ biển như trước khi thủy triều lên. Những con sóng này là các xu thế trung gian, có thể cấp1 hoặc cấp 2 tùy thuộc hướng chuyển động của nó so với hướng của thủy triều vào thời điểm xảy ra xu thế đó.

Mặt biển cũng luôn luôn biến động với những gợn sóng nhấp nhô chuyển động cùng chiều, ngược chiều hoặc chuyển động ngang so với hướng của những con sóng lớn – những gợn sóng này biểu hiện cho các xu thế nhỏ (những dao động hàng ngày có vai trò không quan trọng như đã nói ở phần trên). Những đợt thủy triều, những con sóng và những gợn sóng nhỏ chính là những hình ảnh so sánh giống nhất đối với những biến giá của một thị trường. Trong những phần sau ta sẽ còn xem xét đến một lý thuyết khác về thị trường gọi là Lý thuyết Sóng Elliott, trong đó mọi biến động của thị trường đều gắn trực tiếp với các con sóng.

Hầu hết trader đều chỉ tập trung giao dịch theo xu hướng cấp 1, các xu hướng còn lại thường không rõ ràng hay bị nhiễu. Nếu quá tập trung vào các xu hướng nhỏ, nó có thể dẫn đến sai lầm, các nhà giao dịch bị phân tâm bởi biến động ngắn hạn và mất tầm nhìn tổng quát cho bức tranh thị trường lớn hơn.

3 giai đoạn thị trường trong xu hướng chính

Lý thuyết Dow phát biểu rằng xu hướng dài hạn thường có 3 giai đoạn gồm:

Tích lũy (Accumulation): Giai đoạn này thị trường di chuyển chậm, rất chậm, gần với mức tối thiểu. Thông thường ở giai đoạn này, sự hoảng loạn bao trùm lên những nhà giao dịch ít thông tin, trong khi những dòng smart money thì đang âm thầm mua vào hấp thụ hết những lệnh bán từ những nhà giao dịch đang trong cơn bán tháo.

Giai đoạn có xu hướng: Đây là thời khắc mà gần như tất cả những người tham gia thị trường đều bắt đầu nhận ra những chuyển động đi lên của giá và bắt đầu mua vào. Tâm trạng chung của thị trường là hy vọng và lạc quan.

Giai đoạn phân phối (Distribution): Giai đoạn này là lúc thị trường đã trở nên quá nóng. Nhờ vào những phương tiện truyền thông mà đám đông đã biết được rằng thị trường đang có xu hướng tăng và họ không thể chờ đợi lâu hơn để mua vào. Sự lạc quan ban đầu chuyển sang hưng phấn thái quá. Những dòng smart money đã mua vào ở giai đoạn thị trường tích lũy bắt đầu quá trình phân phối (bán ra) cho những nhà đầu tư nhỏ lẻ – những người thiếu thông tin.

Các chỉ số thị trường phải củng cố lẫn nhau

Trong lý thuyết Dow, việc đảo chiều từ thị trường bò (thị trường tăng) sang thị trường gấu (thị trường giảm) không thế nào được xác nhận nếu không có sự xác nhận từ 2 chỉ số. Đây chính là nguyên tắc nền tảng của phân tích liên thị trường. Ví dụ cho trường hợp này, trong thời điểm những ngành công nghiệp phát triển, ngành vận tải sẽ có cơ hội phát triển theo vì chúng có độ tương quan với nhau. Điều này có nghĩa là các tín hiệu xảy ra trên biểu đồ của chỉ số này phải khớp hoặc tương ứng với các tín hiệu xảy ra trên biểu đồ của chỉ số khác.

Một ví dụ nhỏ hơn trong lĩnh vực tài chính đó chính là giá Gold và giá Yên nhật. Chúng thường được xem là những nơi trú ẩn khi có những rủi ro xuất hiện, nên giá của chúng thường chuyển động cùng hướng với nhau.

Không cần thiết cả hai chỉ số phải cùng xác nhận vào 1 ngày. Thường thì cả hai chỉ số này sẽ cùng chuyển động đến cùng một khoảng đỉnh hoặc đáy mới, nhưng có nhiều trường hợp mà một trong hai chỉ số sẽ trễ hơn chỉ số kia vài ngày, vài tuần, thậm chí là một đến hai tháng. Trong những tình huống như vậy thì nhà đầu tư phải giữ kiên nhẫn và đợi cho đến khi thị trường thật sự thể hiện ra bản chất xu hướng của nó.

Xu hướng được xác nhận bởi khối lượng giao dịch

Theo lý thuyết của Dow, các tín hiệu để mua và bán dựa trên biến động giá. Chính vì thế, khối lượng cũng được sử dụng như một chỉ báo để giúp xác nhận những gì thị trường đang gợi ý cho nhà giao dịch.

Điều này thể hiện một thực tế là khi giá biến động theo đúng xu thế cấp 1 thì các họat động kinh doanh trên có xu hướng mở rộng hơn. Do vậy, với Bull Market, khối lượng giao dịch sẽ tăng nếu giá tăng, và sẽ thu lại nếu giá giảm; với Bear Market khối lượng giao dịch sẽ tăng nếu giá giảm và ít khi giá có dấu hiệu phục hồi. Điều này vẫn đúng ở mức độ thấp hơn tức là với những xu thế cấp 2, đặc biệt là trong giai đoạn đầu của một xu thế hồi phục cấp 2 trong một Bear Market, khi mà các diễn biến của thị trường chỉ ra rằng giá sé tăng lên theo một số đợt tăng giá nhỏ, còn các biến động kéo giá xuống giảm đi.

Như vậy trong trường hợp khối lượng chạy ngược với xu hướng (giá tăng nhưng khối lượng giảm, giá giảm nhưng khối lượng giao dịch tăng) đó là dấu hiệu của sự yếu kém trong xu hướng hiện tại và có thể sẽ có sự đảo chiều xu hướng trong thời gian tới.

Các kết luận ở đây thường không có giá trị nếu chỉ dựa trên diễn biến trong vài ngày và càng không có giá trị với những kết luận dựa trên một phiên giao dịch đơn lẻ. Nguyên lý này chỉ phát huy hiệu quả nếu dựa trên những diễn biến của khối lượng giao dịch chung trong thời gian giao dịch tương đối dài. Hơn nữa, theo Lý thuyết Dow thì chỉ dựa trên những phân tích về giá mới có thể đưa ra được những dấu hiệu mang tính quyết định về xu thế thị trường, còn khối lượng giao dịch chỉ có thể cung cấp thêm những chứng cứ phụ để giải thích rõ hơn biến động của thị trường và sử dụng vào những tình huống khi dấu hiệu chính tỏ ra còn nhiều nghi ngờ.

Các xu hướng tồn tại đến khi có những tín hiệu cho thấy chúng đã đảo chiều

Nguyên lý này là một trong những nguyên lý có nhiều ý kiến tranh cãi nhất. Nhưng khi được hiểu chính xác nó vẫn có giá trị rất lớn trong phân tích thị trường. Nguyên lý thứ mười hai giúp đề phòng với những thay đổi (phản ứng) quá sớm trong quan điểm về thị trường, theo như chúng ta hay nói là “cầm đèn chạy trước ô tô”, của bất kì nhà đầu tư nào. Điều này không nhằm làm nhà đầu tư trì hoãn hành động của mình lại một cách không cần thiết, cho dù là chỉ một phút, khi những dấu hiệu về sự thay đổi của xu thế thị trường là đã rõ ràng, nhưng nó nhắc nhở một điều rằng lợi thế sẽ nghiêng về phía những người biết chờ đợi cho đến khi họ chắc chắn về tình hình thị trường và rõ ràng sẽ không nghiêng về những người quá nôn nóng với hành động của họ.

Khả năng xảy không thể được phát hiện một cách rõ ràng bởi bản chất của nó là những biến động thực tế của thị trường và chúng thay đổi thường xuyên. Bull Market không thể lên giá mãi và Bear Market thì sớm muộn cũng đạt đến đáy của nó. Khi một xu thế cấp 1 của thị trường vừa mới được hình thành thì cho dù có những dao động trong ngắn hạn ta vẫn có thể chắc chắn rằng nó không thay đổi, nhưng nếu nó kéo dài càng lâu thì mức chắc chắn càng ít dần đi, các điểm tái xác nhận xu thế thị trường cũng có giá trị ít dần đi. Động lực của người mua và khả năng bán được những cổ phiếu với giá cao hơn giá mua để kiếm lời sẽ ngày càng thấp nếu như Bull Market đã tồn tại trong nhiều tháng và rõ ràng là thấp hơn khi nó mới hình thành.

Một hệ quả tất yếu từ nguyên lý này đó là khi đã có những dấu hiệu về sự thay đổi của xu thế thị trường thì sự thay đổi đó có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Vì vậy bất cứ nhà đầu tư nào cũng cần phải theo dõi thị trường một cách thường xuyên.

 

Bạn vừa đọc bài viết: “Lý thuyết Dow – Các nguyên lý cơ bản”
Bài tiếp theo tôi sẽ chia sẻ với bạn về: Lý thuyết Dow – Những mặt hạn chế

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

- Advertisment -
Google search engine

Most Popular

Recent Comments