Thursday, April 18, 2024
spot_img
HomeSóng ElliottBÀI 9: MỐI QUAN HỆ FIBONACCI GIỮA CÁC SÓNG

BÀI 9: MỐI QUAN HỆ FIBONACCI GIỮA CÁC SÓNG

Dãy số Fibonacci là một dãy số toán học trong đó bất kỳ một số là tổng của 2 số đứng liền trước. Dãy số này được biểu diễn như sau: 1, 2, 3, 5, 8, 13, 21, 34, 55, 89, 144… Điều đáng chú ý nhất là tỷ lệ 1.618 là tỷ lệ vàng, nó rất phổ biến và là mối quan hệ đã được khám phá vào thời cổ đại. Ngoài ra tỷ lệ 0.618 là giá trị nghịch đảo của 1.618 cũng rất nổi bật khi phân tích quan hệ Fibonacci.

Elliott đã không khám phá ra mối quan hệ Fibonacci song nó đã gây chú ý cho Elliott nhờ Charles Collins.

Các phép tính sóng các mô hình sóng chủ và sóng điều chỉnh (5 + 3 = 8) là theo dãy số Fibonacci và phân chia các mô hình sóng thành các sóng nội bộ tương ứng cũng hoàn toàn tạo ra dãy số Fibonacci.

Phân tích mối quan hệ Fibonacci giữa các dao động giá là việc rất quan trọng vì nhiều lý do.

Trước hết nó giúp kiểm soát sự phân tích sóng. Tỷ lệ Fibonacci từ phép tính sóng càng tốt thì phép tính sóng đó càng chính xác, vì theo cách này hoặc cách khác thì các sóng liên quan với nhau. Hơn nữa có thể dự đoán các mục tiêu hiện thực một khi xác định đúng phép tính sóng hoặc phân biệt được các viễn cảnh khác nhau.

Các sóng thường có liên quan với nhau theo các tỷ lệ 2.618, 1.618, 1, 0.618, 0.382 và 0.236. Điều này giúp ước tính các mục tiêu giá cho các sóng mở rộng.

Sóng 1

Đợt sóng đầu tiên này có điểm xuất phát từ thị trường đầu cơ giá xuống (suy thoái), do đó sóng 1 ít khi được nhận biết ngay từ đầu. Lúc này thông tin cơ bản vẫn đang là thông tin tiêu cực. Chiều hướng của thị trường trước khi sóng 1 xảy ra chủ yếu vẫn là thị trường suy thoái. Khối lượng giao dịch có tăng chút ít theo chiều hướng giá tăng. Tuy vậy việc tăng giá này là không đáng kể. Do đó nhiều nhà phân tích kỹ thuật không nhận ra sự có mặt của đợt sóng số 1 này.

Thông thường chúng ta không giao dịch ở sóng 1 mà sẽ chờ sóng 1 hình thành xong để tính toán biên độ các sóng tiếp theo.

Sóng 2

Sóng 2 hồi lại ít nhất 38.2% nhưng chủ yếu là 61.8% hoặc nhiều hơn so với sóng 1. Nó thường hồi lại khu vực sóng thứ 4 (thuộc cấp độ sóng nhỏ hơn) của sóng 1 và thường xuyên đi vào sóng thứ 2 (thuộc cấp độ sóng nhỏ hơn) của sóng 1. Mức hồi lại hơn 78.6% rất gây hoài nghi dù nó chưa phá vỡ quy luật nào cả. Nguyên nhân khiến cho sóng 2 có tỷ lệ thoái lùi lớn vì phần lớn nhà đầu tư cho rằng, xu hướng giảm giá dài hạn sẽ tiếp tục và sóng 1 chỉ là sóng phục hồi ngược xu hướng. Đây là hành vi của sóng bán giảm giá.

Sóng 3

Sóng 3 ít nhất bằng sóng 1, trừ các mô hình Leading Diagonal (LD), Ending Diagonal (ED) (với 2 dạng sóng này thì sóng 3 ngắn hơn sóng 1). Nếu sóng 3 là sóng mở rộng và dài nhất trong các sóng chủ 1, 3, 5 thì nó sẽ có xu hướng bằng 161.8% hoặc thậm chí bằng 261.8% hoặc 461.8% sóng 1. Để nhận diện sóng 3 cần chú ý đến độ dốc của nó, vì sóng 3 thường có độ dốc cao hơn sóng 1 và gần như thẳng đứng. Ngoài ra cần chú ý đến các chỉ báo kỹ thuật ở khu vực sóng 3 trong đó khối lượng giao dịch (volume) cao hơn, xung lượng (momentum) mạnh hơn.

Sóng 4

Sóng 4 thường hồi lại 38.2% hoặc 50% hoặc 61.8% so với sóng 3 nếu sóng 3 không phải sóng mở rộng.Trong trường hợp sóng 3 mở rộng thì sóng 4 thường chỉ hồi lại 23.6% hoặc 38.2% so với sóng 3. Trong các thị trường rất mạnh thì sóng 4 chỉ hồi lại 14% sóng 3.

Sóng 4 thường hồi lại vùng giá của sóng thứ 4 (thuộc cấp độ sóng thấp hơn) trong sóng 3.

Sóng 5

Sóng 5 thường bằng với sóng 1 hoặc đi một khoảng cách 61.8% chiều dài sóng 1.

Nó cũng có thể có thể bằng 38.2% hoặc 61.8% chiều dài tổng của cả sóng 1 và sóng 3 cộng lại (từ chân sóng 1 lên đỉnh sóng 3).

Nếu sóng 5 là sóng mở rộng thì nó sẽ bằng 161.8% sóng 3 hoặc 161.8% chiều dài tổng của sóng 1 và sóng 3 cộng lại.

Lưu ý: Nếu sóng 5 không phải sóng mở rộng thì sẽ xuất hiện phân kỳ giữa đỉnh/đáy sóng 3 và sóng 5. Nếu sóng 5 là sóng mở rộng thì rất khó có hiện tượng phân kỳ trên.

Mục tiêu sóng mở rộng: 

Trong một chuỗi sóng chủ gồm 5 sóng 1-2-3-4-5 thì kỳ vọng một trong 3 sóng 1, 3, 5 mở rộng. Nếu sóng 3 mở rộng thì sóng 1 và sóng 5 sẽ có xu thế bằng nhau về chiều dài dao động giá, hoặc bằng nhau về chiều dài thời gian dao động giá.
Trong thị trường forex thì sóng 3 mở rộng chiếm 60%, sóng 5 mở rộng chiếm 35% và sóng 1 mở rộng chỉ chiếm 5%.

Khi sóng mở rộng trong một chuỗi 5 sóng là sóng 1 thì quá trình điều chỉnh kế tiếp sẽ hồi về khu vực sóng 2 trong thay vì sóng thứ 4 như thông lệ. Điều này đặc biệt chính xác trong trường hợp sóng 5 ngắn hơn sóng 3.

Sóng  điều chỉnh

Các quá trình điều chỉnh có xu thế đưa giá trở lại khu vực sóng thứ 4 ở cấp độ sóng nhỏ hơn và cũng thường vượt qua khu vực này và đi vào khu vực sóng thứ 2 ở cấp độ sóng nhỏ hơn. Nếu quá trình điều chỉnh phát triển theo mô hình Flat (FL), mô hình Contracting Triangle (CT) thì quá trình điều chỉnh thường giới hạn trong phạm vi 38.2% – 50.0% và thực tế này đúng thậm chí quá trình điều chỉnh là sóng thứ 2.

Một mức hồi lại không quá 38.2% quá trình dao động trước đó cho thấy một sức mạnh tiềm ẩn của xu hướng chính. Mức hồi 50.0% thường xuất hiện trong chuỗi 5 sóng nhưng không xuất hiện thường xuyên như mức hồi 61.8%. Tuy nhiên mức hồi 50.0% lại rất phổ biến ở những sóng điều chỉnh tăng trong thị trường đầu cơ giá xuống ví dụ như sóng B trong mô hình Zigzag (ZZ).

Sóng A

Sau mô hình Ending Diagonal (ED) trong sóng (5) thì sóng A hồi về sóng 2 của mô hình Ending Diagonal (ED) này.

Khi sóng A là một phần của mô hình Contracting Triangle (CT), sóng (B) hoặc sóng (4) thì nó thường hồi lại 38.2% của cả 5 sóng trước đó và đi vào phạm vi sóng thứ 4 của 5 sóng này.

Sóng B

Trong mô hình Zigzag (ZZ) thì sóng B hầu như hồi lại 38.2% hoặc 61.8% sóng A.

Trong mô hình Flat (FL) thì nó xấp xỉ bằng sóng A. Trong mô hình Flat (FL) Irregular thì nó thường đi một khoảng cách bằng 123.6% – 127% sóng A.

Sóng C

Sóng C có chiều dài ít nhất là 61.8% sóng A. Nó có thể ngắn hơn trong trường hợp mô hình Zigzag (ZZ) Running hoặc Flat (FL) Running trong đó sóng C rất ngắn và không thể vượt qua điểm cuối của sóng A.

Nhìn chung sóng C bằng với sóng A hoặc đi một khoảng cách bằng 161.8% sóng A. Sóng C thường đạt 161.8% chiều dài sóng a trong mô hình Flat (FL) Irregular.

Trong mô hình Contracting Triangle (CT) thì sóng C thường bằng 61.8% sóng A.

Trong mô hình Expanding Triangle (ET) thì sóng C thường bằng 161.8% sóng A.

Sóng D

Trong mô hình Contracting Triangle (CT) thì sóng D thường bằng 61.8% sóng B.

Trong mô hình Expanding Triangle (ET) thì sóng C thường bằng 161.8% sóng B.

Sóng E

Trong mô hình Contracting Triangle (CT) thì sóng E thường bằng 61.8% sóng C.

Trong mô hình Expanding Triangle (ET) thì sóng E thường bằng 161.8% sóng C.

Sóng X

Sóng X tối thiểu hồi lại 38.2% quá trình điều chỉnh A-B-C trước đó; một mức hồi lại 61.8% cũng phổ biến đối với sóng X.

Và như vậy chúng ta đã có được những khái niệm cơ bản về các mô hình sóng và mối quan hệ tỷ lệ giữa các sóng về mặt giá. Mối tương quan về mặt thời gian sẽ được tôi giới thiệu trong một series khác.

Tiếp theo là công việc của bạn! Hãy thực hành trên đồ thị thực tế hàng ngày để rút ra những bài học, kinh nghiệm cho riêng mình! GOOD LUCK!

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

- Advertisment -
Google search engine

Most Popular

Recent Comments